Theo kết quả thanh tra sơ bộ mới nhất của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, thị trường thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) đang ở vào tình trạng khó kiểm soát, trong đó nhiều doanh nghiệp vận tải nhập nhằng sử dụng các hộp đen không đủ tiêu chuẩn, nhiều sai phạm của chính đơn vị sản xuất cung ứng và thử nghiệm thiết bị hộp đen trên thị trường đã bị phát hiện.
“Loạn” hộp đen “câm, điếc”
Tính từ thời điểm ngày 1/7/2011, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe khách, container… đã được gần 2 năm. Nắm bắt được nhu cầu lắp đặt của chủ xe, nhiều doanh nghiệp đã bằng mọi cách tìm kiếm khách hàng cần thiết bị này bằng việc giảm giá thành sản phẩm một cách “vô tội vạ” mà không quan tâm đến chất lượng… Trong khi đó, một số đơn vị sản xuất bài bản, chú trọng chất lượng sản phẩm lại phải chịu thiệt vì làm ăn đàng hoàng.
Thực tế, trên thị trường hoặc vào các trang bán hàng trực tuyến, rất nhiều các sản phẩm hộp đen được chào hàng với nhiều chủng loại, chất lượng, giá cả khác nhau tùy theo nhu cầu lắp đặt của xe. Thậm chí, nếu tìm kỹ, người ta sẽ phải ngỡ ngàng với thiết bị giám sát hành trình xe khách có giá chỉ từ 1,3 đến 1,8 triệu đồng.
Giá cả của các thiết bị hộp đen chuẩn như của Công ty AEE hay Công ty Công nghệ số Việt Nam có mức giá dao động từ 3 – 6 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải “ham” rẻ có thể bắt tay với nhà sản xuất để “cắt xén” các linh, phụ kiện nhằm hạ giá thành hộp đen xuống dưới mức 2 triệu đồng.
Hiện nay, không ít các doanh nghiệp đang đau đầu “kén” chọn lắp đặt hộp đen chuẩn theo kiểu “thăm dò” khi mà thị trường hộp đen đang “loạn” và dần bão hòa.
Theo nhiều đơn vị đã sử dụng hộp đen, doanh nghiệp phải mất công tìm hiểu kỹ để lựa chọn các nhà cung cấp thiết bị uy tín, đủ tính năng nhằm tránh thiệt hại về chi phí sửa chữa và nâng cấp.

Lý giải thực trạng trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp vận tải chủ động bắt tay nhà cung cấp để lắp thiết bị đối phó, “cắt xén” linh phụ kiện đồng thời thị trường hộp đen đang “nhiễu” với nhiều sản phẩm mới cung cấp chưa kiểm chứng được chất lượng.
Chứng minh cho vấn đề này, ông Liên đưa ra dẫn chứng, một số đơn vị vận tải tại Vĩnh Yên khi lắp hộp đen đã bị “cắt xén” các chi tiết về quản lý như: Cảnh báo vượt tốc độ, thiếu cổng cắm USB để quản lý thông tin về lái xe… Thậm chí lái xe cũng không biết được tính năng cảnh báo khi vượt quá tốc độ, hộp đen phát cảnh báo thì lái xe lại yêu cầu đơn vị lắp đặt cắt tiếng kêu vì gây điếc tai, khó chịu.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, sau hơn 1 năm triển khai lắp đặt, thiết bị hộp đen đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp lắp đặt đối phó là chủ yếu. Đặc biệt, nhiều chủ xe chỉ lắp để xe “trót lọt” qua đăng kiểm, kiểm định khi đến chu kỳ.
“Trên thị trường có quá nhiều đơn vị sản xuất, cung cấp thiết bị chỉ chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng. Cần loại bỏ bớt những nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình không tốt đồng thời, loại bớt ‘cò’ trung gian (các đại lý bán hàng) để nâng cao chất lượng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình,” ông Thanh bày tỏ quan điểm.
Với quyết định “thanh lọc” các công ty cung cấp thiết bị giám sát hành trình yếu kém, ngay trong tháng 4/2013, qua kiểm tra 11 nhà cung cấp và 10 doanh nghiệp vận tải lắp đặt thiết bị, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều thiết bị hộp đen không đạt chuẩn và hoàn toàn trong tình trạng “câm, điếc”.

“Phù phép” giấy hợp quy
Dẫn chứng, đoàn thanh tra Bộ đã phát hiện thiết bị của Công ty Skysoft không có dấu hợp quy, không nhập được tên lái xe, không trích xuất được đầy đủ thông tin bắt buộc, bị cắt xén linh kiện, rút nguồn điện nhưng đèn vẫn báo… Thậm chí, thiết bị của Skysoft không có màn hình theo mẫu đăng ký với Bộ Giao thông nhưng nhà sản xuất lại cấp cho khách hàng giấy chứng nhận hợp quy để hợp thức hóa các thiết bị.

 

Kỹ thuật viên một đơn vị sản xuất đang tiến hành lắp ráp các linh kiện của thiết bị hộp đen. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Cá biệt, có thiết bị của đơn vị cung cấp không đăng ký theo mẫu của Bộ Giao thông và tự cấp giấy chứng nhận hợp quy để doanh nghiệp vận tải lắp đặt yên tâm về sản phẩm đạt chuẩn và sử dụng giấy chứng nhận để xin cấp giấy phép vận tải. Thậm chí, có nhà sản xuất nhập khẩu thiết bị đã tự ý “chế” để “đội lốt” thiết bị được sản xuất lắp ráp trong nước.
Theo ông Sỹ, tính đến ngày 6/5/2013, Bộ Giao thông đã chính thức thu hồi giấy chứng nhận hợp quy của ba đơn vị: Vạn Xuân, Sao Việt và Tân Á Châu do sản phẩm của các đơn vị này không đáp ứng các tiêu chí theo quy định.

“Sau đợt kiểm tra này, những nhà cung cấp và đơn vị thử nghiệm yếu kém, nhiều vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ, thậm chí đề nghị rút giấy phép đồng thời nhà cung cấp phải sửa chữa những thiết bị đã lắp đặt vào phương tiện,” ông Sỹ khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Sỹ cũng cho hay, sau đợt kiểm tra này, thanh tra Bộ sẽ kiến nghị lên Bộ Giao thông công khai danh tính các nhà cung cấp uy tín để các doanh nghiệp vận tải biết đồng thời phân loại nhà các đơn vị sản xuất hộp đen.
Đại diện một Công ty sản xuất thiết bị hộp đen than thở rằng có một số công ty cung cấp thiết bị đăng ký lên Bộ Giao thông một mẫu nhưng thực tế khi bán ra thị trường lại cố tình cắt xén tính năng và phụ kiện để hạ giá. Hầu hết, các doanh nghiệp vận tải chưa tìm hiểu kỹ đã mua phải thiết bị kém chất lượng này.
“Bộ Giao thông nên chụp ảnh các mẫu thiết bị giám sát hành trình và công bố rộng rãi để doanh nghiệp vận tải nắm rõ danh sách các đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy,” vị đại diện này bày tỏ quan điểm.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khi xét xe theo chu kỳ, cần kiểm định các tính năng kỹ thuật của hộp đen theo tiêu chuẩn quy định.
Tổng cục Đường bộ cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý vận tải, cập nhật thường xuyên các thông số cơ bản từ hộp đen để phục vụ kiểm soát và chấn chỉnh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông./.

Theo kết quả Thanh tra của Bộ Giao thông, qua đợt đầu thanh tra 11 đơn vị cung cấp thiết bị, có thể chia các doanh nghiệp này thành 4 nhóm. Nhóm 1 cung cấp ra thị trường số lượng lớn thiết bị, tổ chức sản xuất bài bản hiện chỉ có Công ty AEE và Công nghệ số Việt Nam.
Nhóm 2 là các công ty Eposi và công ty Vcomsat có một số sai phạm nên Bộ Giao Thông gia hạn cho 3 tháng khắc phục, nếu kiểm tra lại không đạt thì có thể phạt thu hồi giấy chứng nhận hợp quy.
Nhóm thứ 3 còn một số vấn đề nên thanh tra Bộ đang tiếp tục kiểm tra, thu thập thêm bằng chứng để đưa ra hướng xử lý. Nhóm này gồm các công ty Skysoft, TVS, GTI, Elcom. Trong đó Bộ Giao thông đã phát hiện nhiều sai phạm của công ty Skysoft, riêng GTI và Elcom, Bộ đang chờ thu thập dữ liệu hiện trường rồi mới chính thức kết luận.
Nhóm cuối có nhiều sai phạm lớn, Bộ Giao thông đã thu hồi giấy chứng nhận hợp chuẩn. Nhóm này tính đến ngày 6/5/2013 gồm ba công ty là: Tân Á Châu, Sao Việt, Vạn Xuân.